Sáng 8/9/2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội đàm song phương giữa Bộ TT&TT nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Bưu chính Viễn thông Vương quốc Campuchia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đồng chủ trì hội nghị với Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Tram Iv Tek.
Cùng tham dự có đại diện các cơ quan chức năng thuộc 2 Bộ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT của hai nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng Công ty MobiFone, Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Campuchia....
Toàn cảnh buổi hội đàm.
Đề xuất tăng cường hợp tác giữa hai Bộ
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chúc mừng và đánh giá cao việc Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhận lời thăm Bộ TT&TT, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Campuchia trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực TT&TT.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu đôi nét về Bộ TT&TT và những nhiệm vụ, chức năng chính mà Bộ TT&TT đang đảm nhiệm. Theo đó, Bộ TT&TT là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực gồm: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, báo chí, Xuất bản.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng điểm qua một số số liệu cụ thể của từng lĩnh vực quản lý của Bộ, chẳng hạn: Doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2015 đạt 16 tỷ USD, cả nước đã có 123,5 triệu thuê bao di động; Doanh thu bưu chính đạt 700 triệu USD; Doanh thu công nghiệp CNTT đạt 40 tỷ USD (đóng góp khoảng 25% GDP); Cả nước có 856 cơ quan báo chí in, 125 báo điện tử, 66 đài phát thanh – truyền hình phủ sóng 99,5% lãnh thổ, 175 kênh truyền hình; Toàn quốc có 63 nhà xuất bản với 1.500 cơ sở in; Hiện có hơn 30 cơ quan đại diện của cơ quan báo chí nước ngoài đặt tại Việt Nam...
Về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định thành quả hôm nay là kết quả của quá trình mở cửa viễn thông thành công trong quá trình hợp tác giữa hai nước. Hiện Thị trường viễn thông, CNTT của Việt Nam được mở cửa rất rộng rãi. Việt Nam đã tạo dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở xây dựng khung pháp lý phù hợp với sự phát triển.
Với kinh nghiệm phát triển thị trường viễn thông, Internet, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề xuất hợp tác với Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia trên các mặt sau:
Một là có thể tăng cường các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT. Trong đó tập trung vào hoạt động trao đổi giữa các đoàn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, đào tạo quản lý, nghiệp vụ... để góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia. Hiện hai nước đã có hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Trong đó, TT&TT là lĩnh vực hàng đầu có thể tham gia hợp tác.
Hai là đẩy mạnh phối hợp các đối tác của Campuchia với các quan hệ hợp tác song phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp TT&TT hai nước hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là hợp tác trên lĩnh vực an toàn thông tin – vấn đề đang được tất cả các quốc gia quan tâm, quan tâm đến sự phối hợp trên lĩnh vực an toàn thông tin giữa hai quốc gia.
Ba là, mong Campuchia tiếp tục ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)... Tới đây, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Điều hành bưu chính CA nhiệm kỳ 2017 - 2020 tại Đại hội UPU lần thứ 26 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mong Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào hội đồng này.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn Bộ trưởng và Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia như Viettel, VNPT, FPT... Đồng thời đề nghị doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam và Campuchia hỗ trợ để đảm bảo an toàn thông tin cho Campuchia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đồng chủ trì buổi hội đàm.
Campuchia mong muốn đẩy mạnh hợp tác về tần số, chứng thực điện tử
Tiếp lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Tram Iv Tek cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của Bộ TT&TT Việt Nam và cho rằng chuyến thăm lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Người đứng đầu Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia cho biết Campuchia hiện có 2 Bộ là Bưu chính Viễn thông và Thông tin. Bộ TT&TT Việt Nam tương đương với 2 Bộ này.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội lần V, Campuchia đã có sự thay đổi quy định trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Trước đây có 1 Bộ và 1 tổng công ty CNTT-TT, nhưng sau đã nhập Bộ và tổng công ty này thành Bộ Bưu chính Viễn thông. Trực thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông có 1 số xí nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đến tháng 8/2016, Campuchia đã cấp 79 giấy phép cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư Kinh doanh tại quốc gia này, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam. Dân số Campuchia chỉ có 15 triệu người nhưng có hơn 19 triệu thuê bao di động (tỷ lệ 133%), trong đó hơn 9 triệu thuê bao sử dụng mạng Viettel (46% thị trường). Số lượng thuê bao điện thoại để bàn chỉ khoảng 230.000 (2%). Cả nước có 7,15 triệu người sử dụng Internet (47%), trong đó mạng Internet của Viettel chiếm 30%.
Đánh giá cao thành tựu đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Tram Iv Tek bày tỏ sự nhất trí cao với 3 đề xuất mà người đồng cấp vừa đưa ra tại buổi hội đàm.
Đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất như: Hai Bộ hợp tác trong việc phối hợp tần số, nhất là ở khu vực biên giới; Hợp tác trong lĩnh vực chứng thực điện tử (ngoài ký thỏa thuận giữa hai Bộ thì cũng giao các đơn vị trực thuộc triển khai hợp tác cụ thể); Trao đổi kinh nghiệm quản lý của các Sở phụ trách TT&TT ở địa phương...
Ghi nhận những đề xuất của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: Bản ghi nhớ hợp tác tần số giữa Việt Nam và Campuchia đã ký năm 2012 hiện vẫn còn có hiệu lực. Mong Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia xem xét thêm, nếu cần sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận nào thì trao đổi để phía Việt Nam biết. Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ TT&TT sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin. Trung tuần tháng 9, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ sang thăm Campuchia.
Xung quanh vấn đề quản lý nhà nước về tần số, nhất là tần số khu vực biên giới, hai bên đang phối hợp tốt. Đề nghị cơ quan quản lý tần số hai nước tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động này theo tinh thần thỏa thuận đã ký năm 2012 giữa hai nước.
Về hợp tác trong lĩnh vực chứng thực điện tử, Viện Đào tạo Campuchia sẽ là đầu mối để trao đổi, còn phía Việt Nam sẽ giao Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia xây dựng dự thảo văn bản thỏa thuận để Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ ký kết trong chuyến thăm Campuchia trung tuần tháng 9/2016.
Về công tác quản lý Sở TT&TT, Việt Nam hiện có 63 Sở TT&TT, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về TT&TT tại từng tỉnh, thành phố. Nhân sự thì do địa phương quản lý, nhưng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ TT&TT chỉ đạo và quản lý. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel,... cũng có mặt tại các địa phương, phối hợp với các Sở TT&TT để tăng hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực TT&TT tại địa phương. Giao Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối chia sẻ thông tin về hoạt động của các Sở TT&TT cho phía Campuchia để tham khảo kinh nghiệm.
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Bộ TT&TT đã đề xuất ký biên bản hợp tác với Học viện BCVT& CNTT Campuchia. Nếu Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đồng ý sẽ giao Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam chuẩn bị các thủ tục cần thiết để tiến hành ký kết cụ thể.