Nhận định về thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho hay, thị trường hiện có 15 CA với 14 CA đang hoạt động. Tính đến hết Quý I/2020, số chứng thư số đang hoạt động trên thị trường đạt hơn 1,4 triệu, trong đó chứng thư số doanh nghiệp chiếm 85,12%, chứng thư số cá nhân chiếm 14,88%. Viettel CA và VNPT CA là hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên thị trường. Lĩnh vực ứng dụng chữ ký số chủ yếu rơi vào ba lĩnh vực: thuế, bảo hiểm và hải quan.
Từ những số liệu nêu trên cho thấy, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số cạnh tranh khốc liệt với số lượng CA khá nhiều, cùng tập trung vào một tệp khách hàng là doanh nghiệp. Thị trường khách hàng cá nhân nhiều tiềm năng vẫn bỏ ngỏ, chưa được khai phá.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Về kinh nghiệm quốc tế, đại diện NEAC cho biết, Hàn Quốc chỉ có 5 CA phục vụ 37 triệu khách hàng, tương đương mỗi CA sở hữu 7,4 triệu khách hàng. Việc sử dụng chứng thư số tại nước này tập trung vào lĩnh vực ngân hàng điện tử, giao dịch thị trường trực tuyến, mua sắm trực tuyến dịch vụ công. Đài Loan có 4 CA cung cấp dịch vụ cho 10 triệu khách hàng, tương đương 1 CA phục vụ 2,5 triệu khách hàng.
Đại diện NEAC cũng chỉ rõ những vấn dề đang tồn tại trong thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, cụ thể: Cạnh tranh không lành mạnh, có hiện tượng không tuân thủ quy định quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thị trường chứng thư số doanh nghiệp đã bão hòa; Thị trường chứng thư số cho cá nhân còn quá nhỏ; Chưa đo lường được chất lượng dịch vụ. Với những tồn tại như trên, việc cấp phép CA mới cũng không làm cho thị trường lành mạnh hơn mà ngược lại tiêu tốn nguồn lực của nhà nước và xã hội do cung đã vượt quá cầu.
Tại Hội thảo, đại diện Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử cùng một số CA đều thống nhất quan điểm: Tạm dừng cấp phép cho CA mới. Theo đại diện CA2, yếu tố đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sử dụng chứng thư số là niềm tin. Do đó, đa số các nước chỉ có vài CA để cơ quan nhà nước có thể tập trung quản lý chất lượng, các CA được cấp phép là những CA có đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo
BKAV CA và Trust CA chia sẻ quan điểm cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ để tạo ra hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho người sử dụng để chứng thư số sớm được sử dụng rộng rãi trong ngành ngân hàng, tài chính trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi không tuân thủ quy định pháp luật của các CA. Nếu CA nào kinh doanh không đúng quy định trong giấy phép, có thể cho tạm dừng hoạt động từ 3 đến 6 tháng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các CA.
Thứ trưởng chỉ đạo NEAC phối hợp với CLB chữ ký số và giao dịch điện tử tổng hợp tất cả các ý kiến đã nêu ra trong Hội thảo hôm nay. Từ đó các bên liên quan cùng phối hợp đưa ra các giải pháp nhằm mở rộng thị trường, đặc biệt là mở rộng việc sử dụng chữ ký số trong ngành ngân hàng, tài chính.
Thứ trưởng bày tỏ sự ủng hộ việc tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của chữ ký số. Bộ TT&TT, VCCI và các Hiệp hội liên quan sẽ tổ chức hội thảo về chữ ký số trong thời gian tới, trong đó VCCI giữ vai trò cầm trịch, kết nối doanh nghiệp.
Thứ trưởng yêu cầu các CA cần phối hợp chặt chẽ với Thuế, Hải quan, BHXH rà soát, làm thật chặt chẽ mảng hồ sơ khách hàng khi cấp chứng thư số. Bộ TT&TT sẽ nghiêm khắc xử lý các CA vi phạm. Thực hiện nghiêm hoạt động này cũng thể hiện trách nhiệm của các CA đối với giao dịch điện tử, tiến tới thúc đẩy kinh tế số, Thứ trưởng nhấn mạnh./.