Thị trường bão hòa, cạnh tranh khốc liệt và các nhà cung cấp chữ ký số (CA) thiếu tiếng nói chung … là nhận định chung của đại diện các CA tại Hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng năm 2016 do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức sáng ngày 28/4/2016 tại Hà Nội.
Thị trường bão hòa, cạnh tranh khốc liệt và các nhà cung cấp chữ ký số (CA) thiếu tiếng nói chung … là nhận định chung của đại diện các CA tại Hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng năm 2016 do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức sáng ngày 28/4/2016 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị
Đại diện đến từ VNPT CA và Viettel CA, hai CA chiếm thị phần lớn, đều cùng thống nhất nhận định: Hoạt động kinh doanh của các CA trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, doanh thu ngày càng giảm, chi phí chăm sóc khách hàng lớn, quy mô thị trường đã chạm đến mức bão hòa. “Thị trường có đến 9 CA đang hoạt động cung cấp dịch vụ cho khoảng 600 đến 700 nghìn khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức”, đại diện VNPT CA chia sẻ. Theo vị này, “cần có những giải pháp nhằm mở rộng quy mô thị trường để tạo động lực và nguồn thu cho các CA”.
Hiện nay, các CA chủ yếu cung cấp dịch vụ chữ ký số cho các doanh nghiệp, tổ chức phục vụ cho việc khai thuế, làm thủ tục hải quan và gần đây là bảo hiểm xã hội. Đại diện của các CA đều cùng chia sẻ khó khăn lớn nhất chính là chi phí chăm sóc khách hàng rất lớn. CA không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ chữ ký số mà còn phải hỗ trợ khách hàng các nghiệp vụ liên quan đến thuế, hải quan. Theo đại diện CA2 CA, nhà cung cấp này phải cử đến 70 nhân viên làm công tác hỗ trợ khách hàng mà vẫn thường xuyên quá tải và vẫn bị khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ. “Thậm chí có những thời điểm doanh nghiệp xếp hàng bên ngoài công ty để bắt đền. CA phải cầu cứu ngành thuế kéo dài thời gian khai thuế”.
Tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý tăng nhanh trong thời gian gần đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm doanh thu và lợi nhuận của các CA. Tại hội nghị, đại diện các CA phàn nàn về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các CA dẫn đến tỷ lệ chiết khấu cho đại lý đã lên đến mức 75-80% so với mức 15% của năm 2010. Thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, các CA cạnh tranh với nhau về giá và hệ quả là các đại lý là “ngư ông đắc lợi”.
Trong tình trạng ấy, các CA lớn như VNPT CA và Viettel CA đã phải tự cứu mình bằng cách xây dựng hệ thống bán hàng của riêng mình thay vì sử dụng các đại lý. Đại diện hai CA này đều thừa nhận đây không phải là một giải pháp tốt thế nhưng trong thời điểm hiện nay lại đang hiệu quả vì mang lại doanh thu, lợi nhuận cao hơn, khách hàng hài lòng hơn.
Tuy nhiên, các CA nhỏ với tổ chức tinh gọn vẫn phải cung cấp dịch vụ thông qua các đại lý là chủ yếu. Với các CA này, đại lý đóng vai trò rất quan trọng vì giúp họ hỗ trợ khách hàng hiệu quả và mở rộng độ phủ thị trường. Nhưng theo đại diện Smart Sign CA, vai trò của đại lý quan trọng như vậy nhưng chưa có các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động, trách nhiệm của các đơn vị này khi họ không thực hiện đúng các quy trình do CA đưa ra.
Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), ngày 17/12/2015, Bộ TT&TT đã có công văn số 4146 về việc báo cáo kết quả thực hiện công văn số 3399 về việc chấn chỉnh hoạt động của đại lý cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo đó, các CA có đại lý đều đã ký hợp đồng đầy đủ; 5/9 CA cử các đại lý tham gia các khóa đào tạo về dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các đại lý.
Tuy nhiên, đại diện NEAC chỉ ra những tồn tại của việc thực hiện công văn 3399, cụ thể: Nội dung hợp đồng giữa CA và các đại lý chưa thống nhất và đầy đủ thông tin theo yêu cầu; CA chưa báo cáo đầy đủ về thông tin cấp chứng thư số do quan ngại về đảm bảo ATTT của thuê bao.
Tại Hội nghị, NEAC cũng trao đổi, thảo luận với đại diện đến từ CA về các giải pháp chuyển đổi bảo mật từ chuẩn SHA1 sang SHA256 để phù hợp với chuẩn quốc tế.