Nâng cao năng lực quản lý về chữ ký số, xác thực điện tử cho cán bộ Bộ TT&TT
Trong hai ngày 23 - 24/11/2017 tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý, thực thi về chữ ký số và xác thực điện tử”, với sự tham dự của 30 cán bộ đến từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý, thực thi về chữ ký số và xác thực điện tử” là một hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 99 ngày 14/1/2014.
Tham dự khóa đào tạo này, ngoài 30 cán bộ đến từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, còn có 13 cán bộ dự thính đến từ 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong cả nước gồm VIETTEL-CA, VNPT-CA, BKAV-CA, FPT-CA, SMARTSIGN, SAFE-CA, NEWTEL-CA và NACENCOMM.
Giảng viên của khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý, thực thi về chữ ký số và xác thực điện tử” là ông Lars Bagnert - Giám đốc khối Vận hành & Dịch vụ của Công ty PrimeKey, Thụy Điển. PrimeKey là công ty cung cấp giải pháp phần mềm EJBCA - là giải pháp phần mềm lõi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Giải pháp phần mềm nguồn mở EJBCA hiện đang được nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên thế giới sử dụng.
Ông Lars Bagnert là một trong những chuyên gia đầu ngành của Thụy Điển trong lĩnh vực chữ ký số với hơn 30 năm kinh nghiệm tham gia triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng khóa công khai (PKI) để cung cấp chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số ở các nước trên thế giới.
Được biết, tại Việt Nam, hầu hết các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đang sử dụng EJBCA phiên bản Community (là phiên bản nguồn mở miễn phí). Khóa đào tạo được thiết kế nội dung đặc biệt chuyên sâu về chữ ký số nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, thực thi về chữ ký số và xác thực điện tử của Bộ TT&TT mà trực tiếp là Cục An toàn thông tin và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC).
Theo số liệu thống kê tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 đã được Bộ TT&TT công bố phát hành vào trung tuần tháng 9/2017, tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến cuối năm ngoái là 800.171 chứng thư số, tăng 66.325 chứng thư số (tương đương khoảng 9%) so với năm 2015.
Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin” (còn gọi là Đề án 99) đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan nhà nước.
Thu Hương