Tình hình phát triển và ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số
2005, Luật giao dịch điện tử ra đời là cơ sở pháp lý và là tiền đề cho sự hình thành, phát triển các giao dịch điện tử tại Việt Nam. Để triển khai Luật giao dịch điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây gọi tắt là Nghị định số 26/2007/NĐ-CP).
Năm 2005, Luật giao dịch điện tử ra đời là cơ sở pháp lý và là tiền đề cho sự hình thành, phát triển các giao dịch điện tử tại Việt Nam. Để triển khai Luật giao dịch điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây gọi tắt là Nghị định số 26/2007/NĐ-CP).
Sau 10 năm triển khai, đến nay, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng và ngày càng phổ biến, hạ tầng khóa công khai là hạ tầng an toàn thông tin cốt yếu phục vụ các hoạt động giao dịch điện tử góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Với vai trò và trọng trách chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã từng bước xây dựng hành lang pháp lý, ổn định thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng như thúc đẩy việc ứng dụng chữ ký số vào các giao dịch điện tử và nâng cấp hạ tầng hệ thống chứng thực điện tử quốc gia, cụ thể như sau:
1. Hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ chứng thực chữ ký số và nâng cao năng lực tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia
Thực hiện Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chủ trì soạn thảo các Nghị định trình Chính Phủ và ban hành các Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực dịch vụ chứng thực chữ ký số, góp phần quản lý thống nhất và ổn định cho lĩnh vực này. Điển hình gồm:
- Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.
- Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 15/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2011/NĐ-CP và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.
- Thông tư số 37/2009/TT-BTTTT ngày 14/12/2009 của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
- Thông tư số 08/2011/TT-BTTTT ngày 31/03/2011 của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2009/TT-BTTTT quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
- Thông tư số 17/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôngquy định chế độ báo cáo về hoạt động chứng thực chữ ký số.
- Thông tư số 06/2015/TT-BTTTT ngày 23/3/2015 quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Hiện nay, Bộ TTTT đang trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng Thông tư quy định về việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.
Song song với việc ban hành các văn bản, chính sách, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực chữ ký số và xác thực điện tử cũng được chú trọng. Năm 2008, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia được thành lập trực thuộc Cục Ứng dụng công nghệ thông tin (nay là Cục Tin học hóa), Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như nâng cao năng lực của tổ chức này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 09/9/2014 về việc thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Quyết định số 989/QĐ-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Quản lý và đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững của thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số
Tính đến 31/12/2016, trên cả nước hiện có 08 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (gọi tắt là CA công cộng) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép bao gồm: VNPT-CA, BKAV-CA, FPT-CA, Viettel-CA, Safe-CA, SmartSign (VinaCA), CA2 (Nacencom) và Newtel-CA. Các CA công cộng này đã cấp trên 1.700.000 (1,7 triệu) chứng thư số, trong đó có hơn 800.000 chứng thư số đang hoạt động.
Hiện nay, điển hình của các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số là các dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số nhiều nhất là dịch vụ kê khai/nộp thuế qua mạng Internet. Từ năm 2009, Bộ Tài chính đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng sử dụng chữ ký số trong các dịch vụ thuế điện tử và hải quan điện tử. Ngoài ra, các dịch vụ công trực tuyến khác sử dụng chữ ký số bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Các dịch vụ y tế điện tử; Cấp giấy phép điện tử cho người dân và doanh nghiệp (cấp giấy phép tần số điện tử, giấy phép an toàn thực phẩm…). Việc áp dụng chữ ký số trong các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả, tạo thuận lợi và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh việc các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong các hoạt động kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội thì nhu cầu ứng dụng chữ ký số trong cac cơ quan nhà nước cũng tăng lên đáng kể trong các năm vừa qua. Tính đến 31/12/2016 đã có 27/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 51/63 địa phương đã ứng dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, 100% các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động trao đổi văn bản điện tử. Tổng số lượng chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp cho các cơ quan nhà nước tính đến 31/12/2016 là 68.247 chứng thư số, trong đó có 64.099 chứng thư số đang hoạt động.
Sự ổn định bền vững của thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số là kết quả của việc tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của Bộ TTTT, cụ thể như sau:
- Hàng năm, Bộ TTTT chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Đồng thời, Bộ TTTT phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước.
- Công tác cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục. Trong giai đoạn 2015-2017, Bộ TTTT đã cấp lại giấy phép cho 06 CA công cộng gồm: CA2, FPT-CA, VIETTEL-CA, BKAV-CA, NEWTEL-CA, SmartSign và SAFECA nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hoạt động ổn định. Hiện nay Bộ TTTT đang tiếp tục thẩm tra hồ sơ xin cấp lại giấy phép cho VNPT-CA.
- Hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia cũng được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới về công nghệ, kỹ thuật nhằm phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được ổn định, thông suốt để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng chữ ký số của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được cấp phép.
- Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số luôn được chú trọng thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và phổ biến pháp luật. Định kỳ hàng năm, Bộ TTTT tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật có nội dung về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các đối tượng là cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các đối tượng có liên quan nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật về chữ ký số, góp phần tuyên truyền, thúc đẩy, nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ.
- Ngoài ra, thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong những năm qua Bộ TTTT cũng liên tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến sự cần thiết và lợi ích của việc ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Bộ đã chủ trì và phối hợp tổ chức 07 hội thảo, hơn 20 lớp đào tạo về dịch vụ chứng thực chữ ký số và tham gia trình bày tại hàng loạt các hội thảo trong nước và quốc tế.
Các hoạt động tăng cường quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số như trên đã góp phần thúc đẩy việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, đặc biệt là trong các dịch vụ công trực tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành các hướng dẫn, quy định phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, ứng dụng sử dụng chữ ký số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử.