Phiên bản thử nghiệm

Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4

A- A+
6197 Lượt xem
06/07/2020

Với sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai theo cách làm mới, tập trung vào xây dựng nền tảng, cuối tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã đưa toàn bộ 211 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ lên mức độ 4.

Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra ngày 6/7, Bộ TT&TT đã công bố hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Hai bài học thành công

Theo Nghị quyết 17 ngày 7/3, Chính phủ đã yêu cầu đến cuối năm 2020 tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4.

Tháng 11/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Trung tâm thông tin của Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Cục Tin học hóa, các đơn vị liên quan xây dựng mô hình Bộ điện tử với mục đích thí điểm cách làm mới, cùng một số nhiệm vụ về Chính phủ điện tử.

Bộ đã hoàn thành mục tiêu đưa 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn 1 năm, nhưng lãnh đạo Bộ chỉ đạo phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để có thể đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên mức độ 4.

Đến cuối tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền của mình  lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 tập trung trên Cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ https://dichvucong.mic.gov.vn.

Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT, có 255 dịch vụ công thuộc quản lý của Bộ, trong đó có 211 dịch vụ công thực hiện tại Bộ và tất cả số dịch vụ này đều đã sẵn sàng mức độ 4. Ảnh minh họa: Vân Anh

Cùng với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ TT&TT là một trong hai bộ, ngành đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bao gồm: Đăng nhập một lần; Đồng bộ hồ sơ; Xử lý Hồ sơ;Thanh toán trực tuyến. Đã có 14 dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT được cung cấp ở cổng này, đứng thứ 4 về số lượng trong các bộ, ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị chủ trì cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đồng hành, sự hợp tác chặt chẽ từ Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Thứ trưởng cũng nêu rõ hai bài học thành công: Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo (yếu tố tiên quyết. Cùng với đó là sự vào cuộc chủ động, tích cực của lãnh đạo các đơn vị; tinh thần hợp tác, không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ trực tiếp tham gia.

Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến ở Bộ TT&TT cũng cho thấy hiệu quả của cách làm mới. Sự thay đổi cách làm thể hiện ở chỗ: Thay vì làm đơn lẻ, rời rạc từng dịch vụ công, từng hệ thống dịch vụ công, Bộ TT&TT đã triển khai một nền tảng thống nhất với các chức năng, thành phần dùng chung, kết nối, đáp ứng những yêu cầu về chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.

 

Mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, việc công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ TT&TT mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới Bộ sẽ tập trung xử lý một số công việc.

Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Bộ TT&TT sẽ xây dựng kho dữ liệu điện tử để liên thông hồ sơ, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân giữa các hệ thống thông tin dịch vụ công. Ảnh: Trọng Đạt

Cụ thể, sẽ liên tục cập nhật, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công về giao diện, sử dụng, hiệu năng, khắc phục những điểm chưa ổn định, tăng cường tính thuận tiện, chất lượng trải nghiệm cho người sử dụng.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách như: tiếp nhận hồ sơ qua bưu chính, nhanh chóng gia tăng số lượng thủ tục hành chính được phép tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích (hiện có địa phương phản ánh chỉ ở mức 1,8% là quá ít).

Cùng với đó, Bộ TT&TT sẽ xây dựng kho dữ liệu điện tử để liên thông hồ sơ, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân giữa các hệ thống thông tin dịch vụ công, hạn chế yêu cầu phải cung cấp lại giấy tờ đã được chứng thực hợp lệ trong những lần tiếp theo.

Thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ mới (như AI, Big data, ...) vào trải nghiệm người dùng và các bước xử lý số liệu, ra quyết định liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính; Thống kê, đo đạc số liệu, thu thập ý kiến người dân để đánh giá mức độ hài lòng đối với từng lĩnh vực mà Bộ cung cấp dịch vụ công; từ đó nghiên cứu, cải thiện việc hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, đồng thời nắm bắt xu hướng sử dụng dịch vụ công trực tuyến;

Đồng thời, thành lập tổ chuyên trách để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng số lượng hồ sơ điện tử, số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến… đồng bộ với các nhiệm vụ khác về Bộ điện tử để tận dụng tối đa nguồn lực, khí thế và sự quan tâm của Lãnh đạo các cấp. Tăng cường các kênh tuyên truyền, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến với hình thức, nội dung phong phú, sáng tạo bám sát đặc điểm, tính chất của lớp đối tượng sử dụng.

Theo https://ictnews.vietnamnet.vn/



Tin cùng chuyên mục
Bà Rịa - Vũng Tàu tỉnh đầu tiên trên cả nước tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công
(25/11/2021)
Thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế "sandbox"
(02/07/2020)
Bộ TT&TT tổng kết việc triển khai Luật Giao dịch điện tử
(25/06/2020)
Bộ TTTT sẽ cung cấp 149 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020
(28/04/2020)
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh dịch Covid-19
(25/03/2020)
Tầm nhìn về CPĐT: Lấy người dân làm trung tâm và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau
(13/02/2020)
Thủ tướng: Xây dựng CPĐT, không để bộ máy phình ra, thủ tục phức tạp hơn
(13/02/2020)