Phiên bản thử nghiệm

Bộ TTTT sẽ cung cấp 149 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020

A- A+
5632 Lượt xem
28/04/2020
Thực hiện chỉ tiêu: đến năm 2020, cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, đến tháng 3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cung cấp 61 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỉ lệ 30% theo yêu cầu của Chính phủ. 

Ngày 19/3/2020, Bộ đã ban hành Công văn số 929/BTTTT-THH về việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ngày 16/4/2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 684/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm 2020 của Bộ.

ictnews-dich-vu-cong-3-1.jpg

Với mục tiêu cung cấp đầy đủ 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ ở mức độ 4; phấn đấu tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số thủ tục hành chính trực tuyến mức 3, 4 và tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến hàng năm tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2021; đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình của Chính phủ giao, theo đó, trong năm 2020, 149 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ được cung cấp, nâng cấp, gồm: Bưu chính có 6 dịch vụ sẽ nâng cấp từ mức 3; Công nghệ thông tin có 6 dịch vụ từ mức 2; Khoa học và Công nghệ có 2 dịch vụ; Báo chí có 15 dịch vụ từ mức 2, 3; Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có 41 dịch vụ từ mức 2, 3; Xuất bản, In và Phát hành có 24 dịch vụ từ mức 2, 3; An toàn thông tin có 8 dịch vụ từ mức 3; Tần số vô tuyến điện có 8 dịch vụ từ mức 2, 3 ; Viễn thông có 32 dịch vụ từ mức 2, 3; Chứng thực điện tử quốc gia có 5 dịch vụ từ mức 2; Internet có 2 dịch vụ từ mức 2.
 
Các mục tiêu cụ thể trong năm 2020 là: Hoàn thiện cổng Dịch vụ công của Bộ theo hướng tập trung, thống nhất để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tích hợp 06 dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia; áp dụng cơ chế đăng nhập một lần SSO đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính và kết nối hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc. Tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt từ 40% trở lên. Cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến, không dùng tiền mặt, bằng nhiều phương tiện khác nhau khi sử dụng dịch vụ công của Bộ. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tận dụng hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính. Hoàn thành việc nâng cấp các dịch vụ công mức 2 và 3 lên mức độ 4. Từng bước nâng cấp hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng. Hỗ trợ, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng để người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến của mỗi dịch vụ công.
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ TTTT đã đưa ra các nội dung triển khai:
 
- Thống nhất các biểu mẫu, thành phần hồ sơ trong quy trình điện tử giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
- Xây dựng, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; chuẩn hóa mã tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
 
- Xây dựng và nâng cấp cổng dịch vụ công của Bộ đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TTTT.
 
- Kết nối Hệ thống dịch vụ công của các đơn vị với cổng Dịch vụ công của Bộ thông qua hệ thống chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP), đáp ứng chức năng đăng nhập một lần SSO và tích hợp đồng bộ trạng thái xử lý của tất cả hồ sơ thủ tục hành chính.
 
- Hướng dẫn các đơn vị trong Bộ thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia các dịch vụ công trực tuyến.
 
- Xây dựng quy chế tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến của Bộ.
 
- Kết nối, tích hợp cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia với cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tại Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ TTTT.
 
- Thiết lập kho lưu trữ hồ sơ điện tử tập trung và thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
 
- Hoàn thành việc nâng cấp các dịch vụ công mức độ 2 và mức độ 3 lên mức độ 4 trên hệ thống của Bộ và của đơn vị.
 
Định kỳ sáu tháng, các đơn vị liên quan báo cáo Lãnh đạo Bộ tiến độ thực hiện Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm 2020 của Bộ.

Theo mic.gov.vn


Tin cùng chuyên mục
Bà Rịa - Vũng Tàu tỉnh đầu tiên trên cả nước tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công
(25/11/2021)
Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
(06/07/2020)
Thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế "sandbox"
(02/07/2020)
Bộ TT&TT tổng kết việc triển khai Luật Giao dịch điện tử
(25/06/2020)
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh dịch Covid-19
(25/03/2020)
Tầm nhìn về CPĐT: Lấy người dân làm trung tâm và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau
(13/02/2020)
Thủ tướng: Xây dựng CPĐT, không để bộ máy phình ra, thủ tục phức tạp hơn
(13/02/2020)