Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính - ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch.
Để thúc đẩy tiềm năng của fintech tại Việt Nam, việc ban hành chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho fintech phát triển đã được các chuyên gia kinh tế, pháp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ TTTT chia sẻ tại tọa đàm chính sách quản lý Fintech tại Việt Nam do ICTNews, Báo Vietnamnet tổ chức ngày 20/8, tại Hà Nội.
Toàn cảnh tọa đàm
Cần chính sách để thúc đẩy tiềm năng fintech tại Việt Nam
Tại tọa đàm, ông Ngô Văn Đức, NHNN Việt Nam cho biết trong vài năm gần đây, hoạt động fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển fintech.
Hiện nay theo thống kê chưa chính thức có gần 150 doanh nghiệp (DN) fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán. Hiện Việt Nam có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động…
Nhằm hỗ trợ sự phát triển fintech, ngày 16/3/2018, Thống đốc NHNN đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Fintech NHNN. Nhiệm vụ của Ủy ban là hoàn thiện hệ sinh thái fintech tại Việt Nam bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Ban chỉ đạo đã tiến hành khảo sát và đánh giá vệ hệ sinh thái fintech, tổ chức cuộc thi fintech Vietnam Challenge 2018, ký các thoả thuận hợp tác quốc tế, nghiên cứu các vấn đề cốt lõi về hoạt động fintech. Năm 2019, Ban chỉ đạo đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Regulatory Sandbox, nghiên cứu và ban hành khuôn khổ quản lý P2P Lending…
Mục tiêu của Regulatory Sandbox là hiện thực hoá các giải pháp tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ...; Thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp fintech, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khuôn khổ pháp lý; Hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng tham gia sử dụng các dịch vụ fintech chưa được cấp phép chính thức.
Nhấn mạnh thêm về việc ban hành cơ chế sandbox, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Để ban hành sandbox, NHNN sẽ đặt ra yêu cầu, phạm vi, những tiêu chí nhất định phải đáp ứng. Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của DN xin tham gia để kiểm soát được rủi ro, tránh tác động cho người sử dụng cuối cùng. Đây là mục tiêu của bất kể quốc gia, cơ quan quản lý nào trên thế giới.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VAFI
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) và là Giám đốc Công ty Luật VCI Legal cho biết: Hiện nay kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng rất rõ. Một trong những việc cần làm quan trọng đó là cần cải cách thể chế, tháo gỡ những khó khăn từ cơ chế là "nhiệm vụ số một" để khuyến khích đầu tư kinh doanh lĩnh vực CNTT trong đó có fintech cũng như các ngành khác.
Hiện tại đã có nhiều Chỉ thị về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử như Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019 của Chính phủ. Quá trình xây dựng chính sách và pháp luật theo đó cũng cần thể hiện rõ quan điểm chung, quan điểm chủ đạo của Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Hiện nay, có 2 văn bản pháp luật đang được xây dựng và sửa đổi là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư Sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Đánh giá về tiềm năng fintech tại Việt Nam, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho biết: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong 4-5 năm qua. Việt Nam đứng đầu về đổi mới sáng tạo về lĩnh vực này trong khu vực. Nhìn vào số lượng đơn vị cung cấp ví điện tử, Việt Nam có con số tương tự các nước khác trong khu vực nhờ địa bàn và dân số lớn.
Nếu muốn tạo điều kiện cho DN Việt Nam trở thành DN khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Varun Mittal cho biết cơ quan Tiền tệ nước này (MAS) đã ban hành một Đạo luật các dịch vụ thanh toán mới để điều tiết các dịch vụ thanh toán. Theo đạo luật này, bất cứ ai hiện nay thực hiện hoặc dự kiến thực hiện bất cứ dịch vụ thanh toán gồm phát hành tài khoản, chuyển tiền trong nước, chuyển tiền nước ngoài, phát hành tiền điện tử, tiền ảo, đổi tiền đều phải được MAS cấp phép và đáp ứng các yêu cầu liên quan.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng để phát triển fintech tại Việt Nam chúng ta hãy thông thoáng hơn. Ví dụ như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đã giảm bớt một số dịch vụ thanh toán truyền thống để fintech làm vì sự vượt trội của nó trong: bảo mật, giảm chi phí trung gian, phân bổ nguồn lực...
Xây dựng quy định định danh và xác thực điện tử thúc đẩy thanh toán điện tử
Để thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TTTT cho biết: Trong giao dịch đời thực và giao dịch điện tử, để bắt đầu giao dịch, việc cần làm đầu tiên và có vai trò quan trọng, đó là định danh và xác thực.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC
Với các giao dịch điện tử, chưa có quy định pháp lý về các thông tin để định danh một cá nhân, một tổ chức tham gia giao dịch điện tử như thế nào, bao gồm những thông tin gì. Đồng thời, việc xác thực trong các giao dịch điện tử được thực hiện từ xa, trên môi trường Internet, thông qua các phương tiện điện tử mà chủ yếu là máy tính, điện thoại sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc xác thực trong đời thực.
“Với xu thế các giao dịch điện tử ngày càng phát triển, việc xây dựng và ban hành quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tế”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo đó, ông Trung cho biết: Bộ TTTT đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham giao giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước.
Một số định hướng khi xây dựng Nghị định bao gồm: Quy định giá trị pháp lý của định danh điện tử; Quy định các thông tin để định danh cá nhân; Quy định về các phương thức xác thực điện tử được sử dụng, trong đó, sẽ sử dụng các phương thức xác thực đang phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam (tên/mật khẩu, OTP, số điện thoại, chữ ký số, sinh trắc học…); Quy định về quy trình, thủ tục để cung cấp, sử dụng dịch vụ và trách nhiệm của các bên khi cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; Quy định về mức độ tin cậy, đảm bảo an toàn của các phương thức định danh, xác thực điện tử.
Cũng tại tọa đàm, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC cho biết thêm: Nghị định sẽ quy định nhà cung cấp dịch vụ định danh, trách nhiệm các bên ứng dụng dịch vụ định danh và quy trình đăng ký từ đầu của người dân.
Theo http://ictvietnam.vn