Phiên bản thử nghiệm

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nghe báo cáo tình hình triển khai DVCTT của Bộ TT&TT

A- A+
4887 Lượt xem
16/12/2019
Chiều ngày 11/4/2019, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã nghe Trung tâm Thông tin báo cáo tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Tham dự có đại diện các Cục, Vụ chức năng liên quan đến việc triển khai DVCTT trong Bộ.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT

Theo báo cáo của đại diện Trung tâm Thông tin, tổng số dịch vụ công trực tuyến đang được Bộ TT&TT cung cấp là 197 dịch vụ, trong đó có 57 dịch vụ công mức độ 3 và 14 dịch vụ công mức độ 4.

Trong năm 2019, theo kế hoạch Bộ sẽ phải triển khai 23 DVCTT mức độ 3 và phải cung cấp ít nhất 30% số DVCTT mức độ 4 (theo Quyết định số 1238/QĐ-BTTTT ngày 25/7/2018, Quyết định số 2263/QĐ-BTTTT ngày 28/12/2018 và Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 1/1/2019). Do vậy, để thực hiện được chỉ tiêu này, Bộ sẽ phải cung cấp thêm ít nhất 46 DVCTT mức độ 4.

Đây là một công việc đòi hỏi sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong Bộ cùng rà soát, đánh giá để thực hiện nâng các DVC hiện đang ở mức 3 lên mức 4. Đồng thời, Cổng DVC của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ cũng cần phải bổ sung chức năng hỗ trợ thanh toán phí, lệ phí qua môi trường mạng.

Đánh giá về các DVC mức độ 3,4 hiện đang triển khai tại Bộ, đại diện Trung tâm Thông tin nhận định, hiện mới chỉ có khoảng 15-20% DVCTT của Bộ phát sinh thủ tục trên mạng, khoảng 80% còn lại vẫn được thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu chính. Nguyên nhân thì có nhiều, một phần vì nộp trực tiếp, qua đường bưu chính thuận tiện hơn, đã trở thành thói quen, người dân, doanh nghiệp không muốn thay đổi hoặc công tác truyền thông về tiện ích của các dịch vụ này còn chưa tốt. Riêng đối với một số dịch vụ đặc thù, chẳng hạn của Cục PTTH&TTĐT, hồ sơ có số lượng lớn, khó số hóa, đòi hỏi tính bảo mật cao nên doanh nghiệp chưa thật sự thấy yên tâm với nôp hồ sơ trực tuyến.

Đại diện một số đơn vị như Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Báo chí cũng cùng chung quan điểm rằng, những DVC nào được nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng, phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến thì đều đã đưa lên mức độ 3. Còn những dịch vụ có số lượng hồ sơ hàng năm biến động hàng năm còn thấp thì việc đưa lên DVC mức độ 3 không có nhiều ý nghĩa.

Tại buổi làm việc, Trung tâm Thông tin đưa ra một số vấn đề lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị và chỉ đạo của Thứ trưởng gồm: Xây dựng hệ thống một cửa điện tử của Bộ; Xây dựng giải pháp kỹ thuật trong định danh và xác thực điện tử; Xây dựng các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đăng tải trên Cổng DVC của Bộ,….

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai việc ứng dụng CNTT một cách quyết liệt trong năm 2018. Đặc biệt Thứ trưởng biểu dương vai trò điều phối, vai trò cầu nối của Trung tâm Thông tin trong các hoạt động này.

Thứ trưởng cũng khẳng định về ứng dụng CNTT hiện nay Bộ TT&TT là Bộ tiên phong, giữ vị trí số một trong các hoạt động triển khai văn bản điện tử và chữ ký số.

Đối với vấn đề thanh toán trực tuyến các DVC, Thứ trưởng chỉ đạo chủ trương là thanh toán tập trung, Cục Tần số vô tuyến điện và Trung tâm Thông tin phối hợp xây dựng giải pháp cho vấn đề này.

Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ xây dựng giải pháp kỹ thuật trong định danh và xác thực điện tử cho Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, bổ sung vào nhiệm vụ phải triển khai của đơn vị này trong năm 2019.

Liên quan đến việc phải cung cấp ít nhất 30% số DVCTT ở cấp độ 4 trong năm 2019, trên cơ sở các ý kiến của các đại diện đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng cho rằng việc cung cấp DVCTT là nhằm đạt tới mục tiêu tạo sự thuận tiện, nhanh chóng trong việc cung cấp DVC cho người dân, quy trình cung cấp dịch vụ minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên không nên quá cứng nhắc phải đạt bằng được mục tiêu 30%. Các đơn vị cần có văn bản phân tích, đánh giá những dịch vụ nào nên thực hiện và không nên thực hiện và nêu rõ lý do. Trung tâm Thông tin sẽ tổng hợp các phân tích các nội dung trên để trình lên lãnh đạo Bộ và Bộ sẽ báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng chỉ đạo.

Một vấn đề quan trọng đối với việc triển khai thành công phải có kinh phí triển khai, đối với Cổng DVC của Bộ, sẽ có buổi họp bàn cụ thể giữa Trung tâm Thông tin, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính để ưu tiên kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị trong Bộ cần đưa vào kế hoạch kinh phí triển khai trong năm trình lên Bộ phê duyệt.

Theo http://mic.gov.vn

Tin cùng chuyên mục
Bà Rịa - Vũng Tàu tỉnh đầu tiên trên cả nước tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công
(25/11/2021)
Bộ TT&TT đã đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
(06/07/2020)
Thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam cần cơ chế "sandbox"
(02/07/2020)
Bộ TT&TT tổng kết việc triển khai Luật Giao dịch điện tử
(25/06/2020)
Bộ TTTT sẽ cung cấp 149 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020
(28/04/2020)
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh dịch Covid-19
(25/03/2020)
Tầm nhìn về CPĐT: Lấy người dân làm trung tâm và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau
(13/02/2020)